XE LĂN THÔNG MINH ĐIỀU KHIỂN BẰNG Ý NGHĨ
Giáo sư - Tiến sĩ gốc Việt - Hùng Nguyễn, Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật và Công nghệ Thông tin của Đại học Sydney (UTS, Australia) và các cộng sự vừa công bố đã chế tạo thành công chiếc xe lăn điều khiển được bằng ý nghĩ khi có thể tự vận hành bằng chính bộ não robot của nó để vượt qua chỗ đông người…
Giáo sư - Tiến sĩ Hùng Nguyễn tên thật Nguyễn Tấn Hùng, định cư, sinh sống ở Castle Hill (bang New South Wales) từ năm 1979. Nhiều năm qua, ông thường xuyên có những phát minh hữu ích đối với các bệnh nhân. Một trong những phát minh y tế mang tính đột phá là sáng kiến Aviator (công nghệ "xe lăn thông minh”) đã được tạp chí sáng tạo kinh doanh Australian Anthill xếp thứ 3 trong danh sách "100 phát minh hàng đầu Australia”.
Ông Hùng Nguyễn cho biết: "Từ hơn 10 năm trước, tôi đã dành phần lớn tâm trí để nghiên cứu về lĩnh vực này. Lý do thật ra cũng đơn giản: Con trai tôi là Jordan Nguyễn, năm nay 27 tuổi, từng bị chấn thương nặng khi lao xuống hồ bơi hồi năm 2005 và tai nạn này khiến Jordan suýt bị liệt.
Chính con trai tôi đã cộng tác cùng tôi trong công trình này và dùng nó làm đề tài nghiên cứu lấy học vị tiến sĩ. Dĩ nhiên chúng tôi không tạo ra những chiếc xe lăn, song chúng tôi tạo ra những thiết bị điều khiển đi kèm chúng dựa trên điều khiển của bộ não.
Theo đó, nó được thiết kế có chức năng như một robot có thể tự di chuyển và né tránh các vật thể mà chúng nhìn thấy được qua camera lắp đặt sẵn trên xe. Vì vậy, chiếc xe lăn có thể di chuyển theo mệnh lệnh từ cái lắc đầu, ánh mắt, thậm chí là suy nghĩ của chủ nhân.
Tôi tin tưởng chiếc xe lăn thông minh này sẽ tạo ra cuộc cách mạng lớn cho những người bị chứng bại liệt. Thời gian vừa qua, chiếc xe lăn đã được thử nghiệm thành công và có thể được thương mại hóa trong vòng từ 1 - 5 năm tới tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư. Ngoài phục vụ cộng đồng ở Australia, tôi rất mong muốn một ngày gần đây sẽ mang sản phẩm phát minh này về Việt Nam, phục vụ cho đồng bào người Việt mình..”.
Bên cạnh sáng kiến Aviator, Giáo sư - Tiến sĩ Hùng Nguyễn và cộng sự còn có nhiều phát minh y tế khác, như phát minh HypoMon với thiết bị chuyên theo dõi chứng bệnh tiểu đường, giúp đo được lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức quy định và kết nối với một hệ thống báo động giúp bệnh nhân tránh khỏi những biến chứng do giảm glucoza huyết mà không cần phải lấy máu làm xét nghiệm, hoặc thiết bị tim nhân tạo, thiết bị chuyên phát giác bệnh ung thư vú sớm, máy báo chứng bệnh parkinson, máy kiểm tra sức khỏe dành cho các tài xế…
Bình luận của bạn