LẠM DỤNG MÁY XÔNG MŨI HỌNG: HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG

 

Thời tiết thay đổi, môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi đã khiến không ít người, đặc biệt là trẻ em bị viêm họng, viêm mũi, viêm xoang... Một trong những cách chữa trị hiệu quả là xông mũi họng bằng thuốc kháng sinh.
 
Tuy nhiên, gần đây, tại Viện Tai mũi họng Trung ương, nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện cũng vì loại máy xông này.
 
Có hai đứa con nhỏ nhưng liên tục bị viêm họng, sổ mũi, chị Nguyễn Mai Hương (Khâm Thiên, Hà Nội) đã quyết định đầu tư riêng một máy xông mũi họng để chữa trị cho các con. Vì vậy mỗi khi các con húng hắng ho là chị cho xông ngay, khỏi phải uống kháng sinh hại người cũng như không phải đến các phòng khám.
 
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các con chị có nguy cơ bị suy giảm thính giác nghiêm trọng, lên lớp không thể nghe rõ cô giáo giảng bài. Chị tìm đến Viện Tai mũi họng TƯ thì được biết các con đã bị ngộ độc ốc tai, tiền đình do lạm dụng máy xông mũi họng.
 
Theo bác sỹ Trần Ngọc Dung, Khoa Khám bệnh, Viện Tai mũi họng TƯ, xông họng hay còn gọi là khí dung có tác dụng chữa trị hoặc hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ở đường hô hấp cấp hoặc mãn tính rất hiệu quả (như: viêm mũi - họng, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm xoang cấp và mãn tính); hoặc còn dùng để phối hợp trong điều trị bệnh lý nội khoa khác như làm tan đàm trong bệnh phổi.
 
Khi xông hơi thuốc sẽ tác dụng trực tiếp lên chỗ viêm nhiễm ở đường hô hấp, trong khi nếu uống thì thuốc sẽ phải qua dạ dày, đường máu rồi mới đến các tế bào nên hiệu quả sẽ chậm hơn. Thông thường bệnh đường hô hấp có 3 dạng chính là viêm mũi họng xuất tiết dịch (thường gặp ở trẻ em), viêm mũi mãn tính (phổ biến ở người lớn và trẻ em) và viêm mũi vận mạch. Đối với bệnh viêm mũi xuất tiết dịch, chỉ cần xông hoặc nhỏ nước muối sinh lý là có thể khỏi.
 
Còn các bệnh khác, tùy theo cấp độ mà sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh nhưng phải theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa. Việc tùy tiện dùng kháng sinh, kháng viêm rất có hại. Chẳng hạn, thuốc argyrol có thể gây tổn thương niêm mạc. Thuốc ephedrin, naphtazoline sử dụng nhiều sẽ gây co mạch đột ngột, hoặc thiếu máu não ở trẻ em dẫn đến co giật.
 
Thuốc này còn gây xơ cứng cuống mũi, làm nghẹt mũi nặng hơn, gây khó thở có thể phải cắt bỏ một phần cuống mũi dưới. Bên cạnh đó, một trong những thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất để xông mũi họng là gentamycine. Đây là loại thuốc có giá rẻ (khoảng 1.000 đồng/ống) nhưng lại khá hiệu quả trong việc điều trị viêm đường hô hấp nên được nhiều bác sỹ kê đơn.
 
Tuy nhiên, gentamycine là loại thuốc có nguy cơ gây ngộ độc cả ốc tai và tiền đình, theo thống kê, khoảng 2% bệnh nhân dùng thuốc gentamycine bị ngộ độc dẫn đến điếc tai. Không những thế, việc sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh lâu ngày còn dẫn đến tình trạng phù nề họng, niêm mạc họng bị mỏng dễ nhiễm trùng, sức đề kháng kém.
 
Hiện nay, trên thị trường, hầu hết các nơi bán máy xông mũi họng đều giới thiệu là máy của Italy, Nhật hoặc Anh với giá từ 700.000 đồng-1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế mặt hàng này chủ yếu là của Trung Quốc. Cơ chế hoạt động của máy khá đơn giản, giống như máy bơm hơi được vận hành bằng mô-tơ.
 
Để lượng khí thoát ra bảo đảm an toàn vệ sinh, máy phải được gắn thêm hệ thống lọc, ngăn bụi, vi khuẩn. Thế nhưng đa số máy Trung Quốc trên thị trường Việt Nam đều không có hệ thống lọc này, nếu có cũng chỉ là miếng lọc thông thường chỉ có tác dụng ngăn được một phần bụi.
 
Các loại thuốc xông mũi, miệng cũng rất phức tạp. Ngoài những loại được cấp phép còn có khá nhiều kháng sinh trôi nổi, kể cả loại không được phép sử dụng. Việc mua bán cũng dễ dàng giống như mua vài viên thuốc cảm cúm thông thường, không cần đơn bác sỹ.
 
Vì vậy theo lời khuyên của các bác sỹ trước khi sử dụng máy xông mũi họng nên đến bác sỹ chuyên khoa khám bệnh để được hướng dẫn cụ thể sử dụng loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu cho phù hợp.
 
Thông thường mỗi lần xông không nên quá 15 phút. Máy xông mũi họng sau một thời gian sử dụng nên vệ sinh bộ phận lọc không khí, đường ống dẫn khí nếu không bụi, vi khuẩn, nấm mốc bám theo đường này vào cơ thể sẽ gây sưng phổi, là tác nhân gây nên cơn hen suyễn...